Đánh giá chất lượng trầm tích/bùn thải trên hệ thống kênh/rạch và cống/rãnh TP. HCM

Hiện nay tốc độ đô thị hóa cao đang diễn ra ở Thành phố Hồ Chí Minh, nhiều vùng đô thị mới hình thành nhanh chóng. Cùng với sự phát triển đó, các cơ sở hạ tầng kỹ thuật phục vụ cho nhu cầu tiêu thoát nước (hệ thống cống rãnh, kênh rạch thoát nước, trạm xử lý nước thải sinh hoạt tập trung) đang ngày càng được quan tâm. Tuy nhiên, quá trình đô thị hoá quá nhanh làm cho lưu lượng nước thải và nước mưa tăng nhanh trong những năm gần đây, nhưng hệ thống thoát nước cải tạo và xây dựng mới không đáp ứng kịp nên tình trạng ứ đọng và ngập úng nước mưa, ô nhiễm nguồn nước mặt ngày càng trầm trọng, đặc biệt tại đô thị lớn như Tp. Hồ Chí Minh. Bên cạnh đó, hệ thống thoát nước đô thị cũ trước đây bao gồm các tuyến cấp I (cống chính hoặc kênh mương), tuyến cống cấp II (cống lưu vực) và cống cấp III (thu gom nước thải và nước mưa trực tiếp từ các đường phố và khu dân cư) lại được xây dựng từ lâu, xuống cấp và là hệ thống thoát nước chung cho cả 3 loại nước thải là nước thải sinh hoạt, nước thải sản xuất và nước mưa. Do đó, nước thải sinh hoạt, bệnh viện, công nghiệp,... không qua xử lý mà xả vào hệ thống cống thành phố, hồ ao, kênh rạch, sông ngòi... gây ô nhiễm nặng nề cho môi trường, ảnh hưởng xấu đến sức khoẻ cộng đồng và cảnh quan, cản trở đầu tư và du lịch. Hơn nữa, một trong những yếu tố chính cản trở việc thu gom và tiêu thoát nước đô thị là sự lắng đọng bùn cặn trong cống, kênh mương và hồ. Bùn cặn trong nước mưa và nước thải có nguồn gốc từ quá trình cuốn trôi bề mặt do mưa, từ nước thải các ngôi nhà, công trình dịch vụ và nhà máy xí nghiệp,... và trong quá trình xử lý nước thải.

Để đánh giá chất lượng trầm tích/bùn thải trên hệ thống kênh/rạch và cống/rãnh TP. HCM, Phân viện Khoa học Khí tượng Thủy văn đã tiến hành lấy mẫu từ ngày 8 đến ngày 15 tháng 11 năm 2019 tại các tuyến kênh rạch và cống rãnh. Tất cả các điểm thu mẫu thuộc lưu vực sông Sài Gòn. Mẫu trầm tích được lấy ở 02 độ sâu khác nhau: Mẫu trầm tích tầng mặt có độ sâu trung bình từ 50cm-100cm so với mặt đáy. Mẫu trầm tích tầng đáy có độ sâu trung bình từ 150cm-200cm so với mặt đáy, đây là các lớp trầm tích phản ánh ô nhiễm hiện tại. Dùng Thiết bị khoan lấy mẫu đất môi trường AMS – Mỹ được thiết kế bằng vật liệu bằng thép không rỉ. Các mẫu bùn vận chuyển về PTN kỹ thuật và công nghệ của Viện Môi trường và Tài nguyên TP. HCM, thuộc Đại học Quốc gia TP.HCM để phân tích.

Kết quả phân tích các thông số chất lượng bùn đáy trên các hệ thống kênh rạch, cống rãnh trên địa bàn TP.HCM cho thấy, các thông số quan trắc như H2S, NH3 , v.v ..có dấu hiệu vượt quá giới hạn cho phép theo ngưỡng ô nhiễm đề xuất. Các thông số quan trắc như H2S, NH3, ...vượt gấp hàng trăm lần và có giá trị cao, điều đó chứng tỏ bùn đáy trên các hệ thống kênh rạch, cống rãnh đặc biệt các hệ thống kênh rạch, cống rãnh nội thành đang bị ô nhiễm nghiêm trọng do ảnh hưởng của việc tích tụ các chất hữu cơ trong trầm tích tạo điều kiện cho các sản phẩm khác của chất hữu cơ phân hũy tạo nên. Mặc dù tình trạng ô nhiễm bùn đáy trên các hệ thống kênh rạch, cống rãnh chưa đến mức quá nghiêm trọng xong nó cũng gây ra ảnh hưởng đến hệ sinh thái của các hệ thống kênh rạch này, đặt biệt là mỹ quan thành phố. Do đó để có thể đánh giá tổng thể hơn hiện trạng bùn đáy các hệ thống kênh rạch, cống rãnh TP. HCM nhằm đưa ra các giải pháp quản lý hiệu quả cần có kế hoạch xây dựng các ngưỡng ô nhiễm bùn đáy ở trên các hệ thống kênh rạch để tạo cơ sở pháp lý cho việc hoạch định các kế hoạch quan trắc môi trường trầm tích đáy, nạo vét và xử lý loại bùn thải này.


Chi tiết báo cáo theo đường link đính kèm dưới đây

https://drive.google.com/file/d/1Pls87hG0Tf3aqD9fADPSo9i43U5EfOwe/view?usp=sharing